- “Nếu như nói tôi là kẻ ba hoa nói dối, có lẽ cả bộ khoa học cũng đang giả dối bởi chính bộ này đã đến tận nơi kiểm chứng sản phẩm”
Lò đốt rác sinh nhiệt được ông Kiên xây dựng cho nhà máy giấy Phúc Kiến tại Khu công nghiệp Thái Hiệp Hưng, Thái Bình với chiều cao lò hơn 2m
Sau khi loạt bài về lò đốt rác phát điện của ông Bùi Khắc Kiên được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của các tiến sỹ, các nhà khoa học của nhiều ngành cho rằng sản phẩm này chỉ là một sự khoác lác, không đáng tin.
Rất nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng sản phẩm của ông Kiên không thể gọi là sáng chế được, chỉ có thể được coi là một giải pháp tình thế, một sự mày mò chưa đến đầu đến cuối và sai hoàn toàn những kiến thức cơ bản.
Tiêu biểu trong đó có các vấn đề về nguyên liệu đốt là rơm rác không thể cho nhiệt độ quá 1.000 độ C. Tiếp đến là không có khả năng khử khói bụi, gây ô nhiễm môi trường. Và sau đó là khả năng phát điện không ổn định, gây mất an toàn từ điện thế tạo ra…
Mang những phản biện của các tiến sỹ này đến ông Bùi Khắc Kiên để tìm kiếm lời lý giải, người nông dân này bật cười và đưa ra quan điểm của mình.
Ông chia sẻ: “Trước hết là những thứ mà các vị khoa học ấy, thậm chí là cả phóng viên các báo, đài, rồi người nước ngoài nhìn thấy ở vườn nhà tôi chỉ là một phiên bản sơ khai của công nghệ này. Nó là chiếc thứ hai tôi chế tạo, trong khi sau đó tôi đã chế tạo hơn mười chiếc cho một số doanh nghiệp, mỗi lần chế tạo là một lần tích lũy kinh nghiệm. Nói thật, các ông ấy không theo sát tiến trình của tôi thì không hiểu được, huống hồ chỉ nhìn qua mấy thứ sơ khai mà cho rằng tôi nói láo?”
Ông Bùi Khắc Kiên trao đổi với phóng viên tại nhà riêng xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình |
Người nông dân này chia sẻ thêm: “Tôi không muốn tranh cãi với các vị ấy làm gì, tôi làm bằng tiền của tôi, công sức, trí tuệ của tôi. Nếu nó có thành quả thực sự thì lúc ấy tôi hưởng, chẳng mất gì của ai. Thêm nữa là sáng chế của tôi nó phù hợp với Việt Nam, nó tiết kiệm được rất nhiều thứ. Quan trọng là phải tiết kiệm, đất nước ta lãng phí quá nhiều rồi, cái gì cũng chi tiền mà không thành công thì nhà nước ta khổ quá.”
Khi phóng viên bày tỏ việc mong ông Kiên đưa ra những ý kiến phản biện lại lập luận của các nhà khoa học, người nông dân này lý giải: “Tôi không quan tâm tới việc đó, hãy để thực tế chứng minh mọi việc. Nhưng nếu nói tôi là kẻ ba hoa nói dối, thì không đúng?
Bởi lẽ chỉ với chiếc lò đốt thứ hai do tôi tạo ra, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã về đo đạc kiểm tra hồi giữa năm 2012, theo đó cho ra kết quả rất an toàn với môi trường. Tôi vẫn giữ biên bản làm việc của ngày hôm đó. Đấy còn là bản chưa cải tiến, chứ đến bây giờ thì đã tốt hơn rất nhiều rồi.”
Báo cáo của đoàn công tác trong ngày làm việc 10/8/2012 gửi tới ông Bùi Khắc Kiên |
Theo báo cáo của công tác này, Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam đã đo 5 điểm và chỉ trong mấy tiếng đốt lò của buổi sáng hôm thử nghiệm tháng 8/2012 đã cho kết quả như sau: Tại Nhiệt độ cửa nhập nguyên liệu cho nhiệt độ trung bình là 631,85 độ C, tại nhiệt độ trên thân lò 30 cm cho nhiệt độ trung bình là 902,57 độ C.
Còn về chỉ số mẫu khí đều đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, lượng bụi của ông Kiên là 160mg/Nm3, còn tiêu chuẩn VN là 150mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể). Chỉ số CO của ông Kiên là 324mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 300mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể).
Chỉ số SO2 của ông Kiên là 110 mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 300mg/Nm3, NO2 của ông Kiên là 130mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 500mg/Nm3. Đây là những con số rất đáng thuyết phục cho lò đốt rác của người nông dân này.
Điều đáng chú ý là trong lần thử nghiệm này, đoàn công tác đã yêu cầu dỡ bỏ van xả hơi nước với đường kính 50mm, và thân lò đốt sơ khải bảo ôn chưa tốt, nhiệt độ ngoài trời là 26,5 độ C. Theo đánh giá của một chuyên gia trong đoàn công tác này, khi lắp van xả hơi nước này vào nồi hơi, nhiệt độ có thể còn tăng lên rất cao.
Ông Kiên cũng thành thật tâm sự: “Nói thật với mọi người, tôi chỉ là một ông nông dân, có những thứ tôi nghĩ ra được và làm được, nhưng có những thứ nghĩ ra được mà lực bất tòng tâm, trong khi các nhà khoa học đó có điều kiện hơn tôi rất nhiều.
Tôi muốn nhận được sự giúp đỡ hơn là những chỉ trích như thế. Người ta làm cái ô tô cũng phải qua bao nhiêu thế hệ mới được như ngày hôm nay, vì thế tôi đang đi từng bước, không thể nào bắt tôi chạy ngay được trong khi bản thân tôi không có sức, không có tiềm lực kinh tế như các vị ấy.”
Được biết, ông Kiên đã từng xây dựng cho nhà máy giấy Phúc Kiến tại Khu công nghiệp Thái Hiệp Hưng, Thái Bình 03 “lò đốt thu nhiệt” để lấy hơi nước nóng seo giấy với đường kính lò là 1,35m. Lò đốt này hoạt động tốt, giải được khó khăn cho doanh nghiệp và với chi phí chỉ 25 triệu/lò, trong khi doanh nghiệp đã từng sử dụng công nghệ nhập của Trung Quốc mà không thành công, tốn kém.
Chiều 1/8/2014, báo Đất Việt được tin Bộ KHCN đã tổ chức cuộc họp trao đổi về vấn đề xem xét mô hình "tàu ngầm Trường Sa 01" của ông Nguyễn Quốc Hòa - cụm công nghiệp Phong Phú, TP Thái Bình" và mô hình "Lò đốt rác phát điện" của ông Bùi Khắc Kiên tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy.
Thành phần tham dự gồm có đại diện một số đơn vị chức năng liên quan của Bộ KH&CN, đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Sở KH&CN tỉnh Thái Bình, đại diện ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo nguồn tin của báo Đất Việt, với mô hình lò đốt rác phát điện, qua cuộc họp đã đi đến nhận định: "Lò đốt đã được đăng ký sáng chế; cần hạn chế là phần tuabin và phát điện."
|
Minh Tú ( theo baodatviet.vn )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét